-Khán giả thắc mắc sao lâu rồi không thấy nhạc sĩ Lê Minh Sơn giới thiệu sáng tác hay dự án âm nhạc mới?
Công việc quá nhiều, tôi luôn giữ vị trí đầu não nên phải căng sức ra để làm. Ê-kíp của tôi đang thực hiện dự án lớn có tên Miền Lau Trắng - Bản tình ca miền di sản là chương trình kết hợp giữa truyền hình thực tế và liveshow ca nhạc nhằm giới thiệu, lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, nét đẹp con người của tỉnh Ninh Bình; đồng thời kích cầu về du lịch, kinh tế - xã hội.
-Cái tên Lê Minh Sơn gần đây được biết đến không phải ở những chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng mà là việc bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến và tìm kiếm tài năng âm nhạc như cuộc thi 'Tinh Ting Tinh'? Phải chăng anh không còn muốn “nổi” mà thích “chìm” xuống để âm thầm thực hiện các dự án cộng đồng?
Tôi không quan tâm đến khái niệm “chìm” hay “nổi” đâu, tôi sinh ra để làm việc, thậm chí làm với cường độ rất cao. Đến giờ phút này đã có gần 2.000 nhạc sĩ tham gia cuộc thi sáng tác và trình diễn âm nhạc Tinh Ting Tinh, dự đoán đến hạn cuối ngày 5/12/2023 con số này sẽ lên tới gần 3.000. Sự cạnh tranh rất khắc nghiệt nhưng không kém phần hấp dẫn.
Thật sự, tôi đã quan sát thấy nhiều bạn trẻ giỏi và hay lắm nhưng nếu không được định hướng phát triển lâu dài lãng phí vô cùng! Bây giờ, nhiều bài hát dù ăn khách nhưng chỉ “sống” giỏi lắm được 3 tháng. Bạn biết vì sao không? Vì chúng không có linh hồn, chỉ là những sáng tác theo trào lưu, “hàng nhái” của các sản phẩm đang ăn khách trên thế giới, nghe quen tai - nhìn bắt mắt, vỗ tay ào ạt xong thôi, cứ thế rơi vào quên lãng.
Tôi mong muốn gìn giữ hồn cốt của văn hóa dân gian, nuôi dưỡng những giá trị nghệ thuật lâu bền nên tổ chức cuộc thi Tinh Ting Tinh không phải để trao giải thưởng rình rang cho các nghệ sĩ trẻ rồi bỏ mặc họ cứ trôi vô định mà không đọng lại gì cả. Tôi và những người cộng sự tâm huyết như nhạc sĩ Giáng Son, Lưu Hà An… sẽ tiếp sức cho các bạn để đóng góp nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng cho cộng đồng.
Mà chơi với giới trẻ cũng chính là cách Lê Minh Sơn tự “làm mới” bản thân và cả mạo hiểm nữa! Có vậy tôi mới dám thực hiện một chương trình không có rating, phát vào thứ hai hàng tuần lại chưa có quảng cáo… Rất nhiều thử thách đang chờ đợi phía trước, nhưng tôi luôn có niềm tin vào sự thành công.
-Mất 3 năm để anh cùng cộng sự cho ra đời hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM, hiện giờ hệ thống này hoạt động ra sao?
Khi bắt đầu một ý tưởng mới không thể tránh được nhiều ánh mắt dò xét, nghi ngại nhưng chúng tôi chấp nhận mọi khó khăn. Đến bây giờ lại sắp có thêm gần 3.000 nhạc sĩ trẻ là tệp khách hàng tiềm năng rất lớn của MCM. Bài toán cần giải là chúng ta nuôi dưỡng thế nào, hợp tác ra sao để cùng phát triển.
-Những ca sĩ nổi tiếng gắn liền với tên tuổi Lê Minh Sơn như Ngọc Khuê, Thanh Lam, Tùng Dương… lâu rồi không thấy xuất hiện cùng anh trong dự án nào. Anh “bỏ rơi” họ, hay bị họ “bỏ rơi”?
Cá tính của tôi là thích tìm tòi những nhân tố mới, dùng âm nhạc và trải nghiệm của mình để phát hiện, bồi đắp và tôn vinh tài năng. Nhưng khi những người nghệ sĩ đã thành danh tôi lại rút lui để họ thỏa sức bay nhảy, sáng tạo và phát triển con đường riêng.
Đó là những người bạn thân thiết của Lê Minh Sơn. Làm sao mà không yêu quý cho được khi nhắc đến Ngọc Khuê là nhớ tới Chuồn chuồn ớt, Tùng Dương là Ôi quê tôi, Thanh Lam với Nắng lên…Thật hạnh phúc khi những ca khúc của Lê Minh Sơn đã “đóng đinh” với tên tuổi của họ. Và khi có cơ hội tốt trong sự nghiệp, chúng tôi luôn dành cho nhau.
-Các ca sĩ nổi danh làng nhạc Việt như Mỹ Linh, Hồng Nhung đều tham gia ‘Chị đẹp, đạp gió rẽ sóng’ và gây ra nhiều luồng tranh cãi, ý kiến cá nhân của anh về việc các diva góp mặt vào gameshow giải trí?
Tôi không theo dõi gameshow đó nên xin phép không đưa ra ý kiến.
-Anh từng nói có khoảng thời gian 10 năm “không đọc báo, không xem ti vi, tôi đứng ngoài đời sống showbiz Việt bởi muốn giữ cho đầu mình sạch”, phải chăng dưới góc nhìn của anh thế giới giải trí có khá nhiều tạp chất?
Cho đến bây giờ tôi vẫn duy trì thói quen đó, tôi lên mạng chỉ đọc thông tin bóng đá thôi.
-Nếu “đóng cửa” với luồng thông tin đa dạng bên ngoài như vậy, anh sẽ thu nạp kiến thức, vốn sống, tư liệu sáng tác từ đâu, hay là từ những cuốn sách? Thể loại sách nào thu hút được “cái đầu” có rất nhiều ngăn của Lê Minh Sơn?
Thực ra cuốn sách hay nhất là cuốn sách… chưa đọc. Có những tác phẩm rất dày mà tôi không dám đọc hết, cứ để dành chắt chiu từng trang và thấm từng câu chữ chẳng hạn như cuốn Hai số phận (Jeffrey Archer). Gần đây, tôi cũng tâm đắc với cuốn Minh triết trong ăn uống của người phương Đông của nhà nghiên cứu Ngô Đức Vượng, giới thiệu phương thức sống lành mạnh, tích cực khởi đầu từ thói quen ăn uống và sinh hoạt. Rất thú vị đấy, mọi người nên tìm đọc.
Còn cách Lê Minh Sơn thu nạp kiến thức chủ yếu là tự học, 16 năm học trường nhạc nếu không tự học thì không có tôi bây giờ. Tôi luôn đi theo chu trình: “nghe” - “đọc” - “học” nhưng phải “sống” rồi mới “viết” hay sáng tác được! “Sống” ở đây chính là những trải nghiệm thực tế với đầy đủ cung bậc cảm xúc phải đón nhận hết: buồn, vui, cay đắng, xót xa...
Mọi người nghĩ Lê Minh Sơn dũng cảm khi thử sức ở nhiều lĩnh vực mới. Không phải đâu! Trong tôi chứa đầy sự hoang mang, sợ hãi nhưng phải tìm cách bước qua. Bạn hỏi bước qua bằng cách nào ư? Bằng chính những vấp ngã, bài học của bản thân.
-Nhạc sĩ Lê Minh Sơn khi đứng lớp sẽ dạy học trò điều gì đầu tiên?
Tôi luôn dạy các em là phải tự đặt câu hỏi: “Bạn là ai?”. Nếu trả lời được câu hỏi này, đương nhiên sẽ biết: “Bạn ở đâu”, “Bạn đang làm gì”. Lê Minh Sơn cũng đặt câu hỏi này cho bản thân. 20 năm nay, tôi cắm cổ chạy đều đặn mỗi sáng dù nắng hay mưa, vừa chạy vừa tự hỏi: “Mình là ai?”. Khẳng định được bản thể sẽ làm được mọi điều, tôi hay nói với những người bạn là: “Thà thắp lên một ngọn lửa nhỏ còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối” (danh ngôn của Eleanor Roosevelt).
Hãy học cách sống của cây cỏ. Mỗi thứ trên cuộc đời này đều mang một giá trị nhưng tất cả đều hướng về mặt trời. Mặt trời chính là tri thức.
-Dành nhiều thời gian và tâm sức cho các dự án âm nhạc cộng đồng, có phải anh đã “quên” mất việc sáng tác?
Tôi vẫn sáng tác theo từng dự án. Nói có khi bạn chả tin đâu, có tháng tôi viết 18 tác phẩm. Tôi sáng tác lúc nào ư? Là những khi tắc đường đấy! Lê Minh Sơn chả bao giờ cảm thán về vấn nạn này dù ngày nào cũng mất 3 tiếng chịu trận. Đa phần ý tưởng về những show diễn lớn lại đến từ khoảng thời gian tưởng như bế tắc, trì trệ đó. Tôi bật máy ghi âm lên để lưu lại mọi câu nói, suy nghĩ của chính mình, sau đó chắt lọc và hoàn thiện.
-Con trai anh, cu Nồi đáng yêu năm nào, giờ đã trở thành một chàng trai, anh có hướng con theo con đường nghệ thuật?
Tôi cũng định hướng con trai đi theo con đường âm nhạc nhưng phải khổ luyện. Không có gì tự nhiên đến cả, trời cho con khả năng, người cho con cảm xúc. Phải học kỹ năng sống trước rồi mới xác định hướng đi của mình, đến bố bây giờ vẫn phải học kỹ năng sống mỗi ngày. Tôi tin rằng hầu hết những đứa trẻ yêu thích nghệ thuật đều hướng đến lối sống thiện lành.
Với Lê Minh Sơn, nơi nào có âm nhạc vang lên, nơi đó sẽ tràn ngập yêu thương.